Chọn ngành vì không có thế mạnh gì khác ngoài tiếng Anh
Chọn ngành ngôn ngữ Anh vì học tốt môn tiếng Anh nhưng sau khi vào học,ỏitiếngAnhcónêntheongànhngônngữmáy trộn bê tông Cao Tiến (sinh viên năm 2, Học viện Hàng không, TP.HCM) cho biết nhận thấy chương trình có nhiều điều khác so với tưởng tượng. "Tôi khá thích tiếng Anh nên theo ngành để có nhiều cơ hội học tập. Tuy nhiên, ngành học chỉ giống một nửa so với những gì tôi hình dung. Lượng kiến thức nhiều và những học phần về học thuật khó tiếp thu khiến kết quả học tập tôi chưa tốt lắm", sinh viên này chia sẻ.
Theo Cao Tiến, học tốt tiếng Anh ở THPT là chưa đủ vì kiến thức chỉ tập trung vào ngữ pháp, còn chương trình ở bậc ĐH bao gồm nhiều học phần như nghe, nói, đọc, viết, lịch sử, văn hóa ngôn ngữ của các nước Anh, Mỹ… Nam sinh viên cho hay, bản thân đang cố gắng tìm định hướng rõ ràng khi ra trường cũng như mong rằng những ai thật sự đam mê về học thuật và yêu thích tiếng Anh thì hãy theo đuổi ngành.
Hứng thú với tiếng Anh và muốn tìm hiểu sâu hơn, Nguyễn Thiện Tài, sinh viên năm 4, ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ: "Tôi chọn ngành vì không nhận ra thế mạnh của bản thân ở những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tôi khá rụt rè trong giao tiếp, ít được luyện tập ở THPT nên kỹ năng nói chưa thật sự đáp ứng hàm lượng kiến thức của chương trình học".
Theo nam sinh viên, sau khi vào học chính thức, định hướng công việc của bản thân cũng có nhiều thay đổi. "Lúc còn là học sinh THPT, tôi mong muốn làm việc ở lĩnh vực biên hoặc phiên dịch. Tuy nhiên, hiện tại tôi dự định sẽ dạy tiếng Anh tại các trung tâm để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi thêm vốn từ tiếng Việt để tự tin hơn trong lĩnh vực dịch thuật", Thiện Tài nói.
Bên cạnh đó, một số sinh viên dù đã tốt nghiệp nhưng chia sẻ cũng gặp trường hợp tương tự trong lúc học. Trần Dương (cựu sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, trường ĐH Mở TP.HCM) cho biết: "Tôi chọn ngành vì học tốt và thích tiếng Anh nhưng khi học cũng lo lắng, mông lung vì rất nhiều người giỏi Anh văn, thị trường lao động cạnh tranh, cảm thấy mình còn thiếu sót, chưa nổi trội. Hiện tôi làm trái ngành và cố gắng tìm công việc phiên dịch".
Cần nuôi dưỡng đam mê ngôn ngữ
Trước thực trạng một số sinh viên bỡ ngỡ về ngành, tiến sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết, chỉ giỏi tiếng Anh là chưa đủ, người học cần tích lũy thêm kiến thức và kỹ năng mềm khác để học tập hiệu quả.
"Ngoài các kỹ năng như nghe, nói, đọc, viết, còn có một số môn đi sâu vào sự hình thành ngôn ngữ như: ngữ nghĩa học, hình thái học, các môn về văn hóa, văn học Anh - Mỹ, các môn chuyên ngành tiếng Anh dịch thuật, thương mại, du lịch… Đây là những học phần mà nhiều sinh viên cảm thấy khó và khác xa với những gì đã học ở THPT", tiến sĩ Ngọc cho biết.
Theo tiến sĩ Như Ngọc, ngôn ngữ Anh là học và hiểu về ngôn ngữ, đất nước, con người và văn hóa của các nước sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ như Anh, Mỹ, Úc nên sinh viên cần tình yêu dành cho ngôn ngữ, đam mê học từ nhiều nguồn để tăng khả năng hiểu biết và vốn từ vựng. "Để hiểu thêm về đất nước và con người sử dụng tiếng Anh trên thế giới, bạn cần có sự tiếp nhận đa văn hóa, cập nhật kiến thức và xu hướng sử dụng ngôn ngữ, cần phải thích nghiên cứu, tham gia vào các cuộc thảo luận trên lớp, học hỏi từ những người đi trước", cô Ngọc cho hay.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Như Ngọc, những bạn không giỏi tiếng Anh vẫn có thể theo ngành nếu có đam mê và đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Sinh viên cần rèn luyện khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh để giao tiếp trong lớp học, chủ động tìm các nguồn học liệu tiếng Anh để trau dồi.
Tiến sĩ Ngọc cũng chia sẻ: "Khi quyết định học hay đã theo ngành, điều quan trọng là sinh viên phải có đam mê hay tình yêu dành cho tiếng Anh bởi sẽ gặp nhiều rào cản về sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa với tiếng mẹ đẻ. Không chỉ riêng ngôn ngữ Anh mà khi học bất kỳ ngôn ngữ nào đều là hành trình khám phá nhiều điều thú vị trên thế giới, vì thế các em cần phải kiên trì, khám phá điểm mạnh, yếu của bản thân để vượt qua khó khăn và đạt kết quả học tập như mong muốn".
Những hướng đi cho người có năng khiếu ngoại ngữ
Tiến sĩ Như Ngọc chia sẻ, xu hướng tuyển dụng của các công ty hiện nay là nhân lực có chuyên môn và giỏi giao tiếp ngoại ngữ nên sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh cũng như các ngôn ngữ khác sẽ có lợi thế trở thành ứng viên cho nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Ngoài ngôn ngữ Anh, một số ngành học cho người giỏi ngoại ngữ có thể kể đến như tiếp viên hàng không, du lịch, sư phạm tiếng Anh, quản trị khách sạn - nhà hàng, quan hệ quốc tế hoặc làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông, marketing, công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu…